Văn hóa Nhà_Triều_Tiên

Nhà Triều Tiên đã chủ xướng hai giai đoạn phát triển văn hóa rực rỡ. Trong đó phải kể đến việc xây dựng nghệ thuật trà lễ Triều Tiên, nghệ thuật làm vườn Triều Tiên và nhiều bộ sử bao quát. vương thất Triều Tiên cũng cho xây dựng nhiều pháo đài và cung điện.

Trang phục

Áo choàng cho đàn ông lưỡng ban (quý tộc)

Dưới thời nhà Triều Tiên, áo jeogori của phụ nữ đã dần dần trở nên bó chặt và rút ngắn lại. Vào thế kỷ 16, jeogori (저고리, có thể phiên âm Hanja là xích cổ lý- 赤古里) đã rộng lụng thụng và chỉ nằm ở dưới eo, nhưng vào khoảng cuối nhà Triều Tiên vào thế kỷ 19, jeogori đã được rút ngắn đến mức không thể trùm được hết ngực, vì vậy, một mảnh vải khác gọi là heoritti (허리띠) đã được sử dụng để che ngực. Vào cuối thế kỷ 19, Hưng Tuyên Đại Viện Quân đã giới thiệu Magoja (마고자, còn gọi là magwae - mã quái, 마괘, 馬褂), một loại áo choàng kiểu Mãn Châu, vào Triều Tiên, kiểu áo này thường được mặc cùng hanbok (Hàn phục - 한복, 韓服 hay Triều Tiên phục - 조선옷, 朝鮮옷) cho đến ngày nay.

Đến cuối thời nhà Triều Tiên, chima (치마, tên Hanja là thường - xiêm- 裳 hay quần - 裙) đã là váy phủ dài còn jeogori ngắn và bó sát người. Chiếc thùng rộng của váy được chít vòng quanh hông. Nhiều quần áo lót đã được mặc ở bên dưới chima như darisokgot, soksokgot, dansokgot, và gojengi để đạt được một hình dạng như mong muốn. Bởi vì jeogori ngắn như vậy nên nó đã trở nên tự nhiên để phơi bày heoritti hay còn gọi là heorimari, có chức năng như một áo nịt ngực.

Các tầng lớp trên mặc hanbok may bằng vải gai dệt chặt hoặc loại vải nhẹ cao cấp khác khi thời tiết ấm áp hoặc mặc lụa trơn có trang trí hoa văn vào thời gian còn lại của năm. Tầng lớp bình dân chỉ được pháp luật cho phép mặc quần áo làm bằng chất liệu sợi bông. Những tầng lớp trên mặc trang phục với màu sắc đa dạng hơn, tuy nhiên màu sắc tươi sáng nói chung dành cho trẻ em và các cô gái trẻ còn màu sắc dịu hơn thường dành cho đàn ông và phụ nữ ở tuổi trung niên. Tầng lớp bình dân còn bị luật pháp cấm mặc quần áo màu trắng hằng ngày, nhưng trong những dịp đặc biệt họ có thể mặc trang phục màu hồng ngả xám, xanh lá cây nhạt, xám, hoặc màu than chì. Theo đúng nghi lễ, khi những người đàn ông Triều Tiên đi ra ngoài, họ buộc phải mặc áo khoác ngoài gọi là durumagi dài chấm gối.

Hội họa

Các phong cách hội họa giữa thời nhà Triều Tiên dần chuyển sang trường phái hiện thực. Một phong cách tranh phong cảnh quốc gia gọi là "tả chân" - chuyển từ phong cách tranh phong cảnh tổng quát được lý tưởng hóa kiểu truyền thống Trung Hoa (tranh thủy mặc) sang những địa danh cụ thể được nêu ra một cách chính xác. Trong khi chưa có kỹ thuật chụp hình, phong cách này đủ tính chất học thuật để hình thành và khuyến khích một phong cách chuẩn cho nền hội họa Triều Tiên (ví dụ tác phẩm Đông Cung Đồ).

Từ giữa đến cuối thời nhà Triều Tiên là thời hoàng kim của nền hội họa Triều Tiên. Việc này diễn ra đồng thời với cú sốc của sự sụp đổ của nhà Minh liên hệ với sự kiện lên ngôi của các hoàng đế Mãn Châu tại Trung Hoa, và áp lực buộc các họa sĩ Triều Tiên phải xây dựng các mô hình nghệ thuật mới dựa trên chủ nghĩa dân tộc và sự tìm tòi ở trong nước cho những chủ đề cụ thể về Triều Tiên. Vào thời điểm này, Trung Hoa đã chấm dứt sự ảnh hưởng độc tôn, nền nghệ thuật Triều Tiên đã định được hướng đi riêng của nó và ngày càng trở nên tách biệt.

Kiến trúc

Cần Chánh điện (Geunjeongjeon, 근정전) trong cung Cảnh Phúc.

Lịch sử kiến trúc nhà Triều Tiên có thể được trình bày qua 3 giai đoạn: sơ, trung và hậu kỳ, tương ứng với sự phát triển văn hóa và kiến trúc. Vào giai đoạn sơ kỳ, kiến trúc phát triển từ sự kế thừa nền văn hóa của triều đại trước với những nguyên tắc định hướng chính trị mới của Nho giáo đã thế chỗ cho Phật giáo.

Thông qua sự ảnh hưởng của Nho giáo, thị hiếu quý phái tinh tế của triều đại cũ đã được thay thế bằng những nét đẹp chất phác, đơn giản và khiêm tốn với các đặc điểm bình dị và vững chắc. Hệ thống các bộ dầm chia liên kết hình trụ được sử dụng trong các khối kiến trúc chính tại các điền trang. Hệ thống các bộ dầm chia hình trụ và hệ thống dầm chia kiểu chiết trung, bao gồm các chi tiết kiến trúc từ cả hai hệ thống dầm chia hình trụ và hình trụ liên kết, cũng được sử dụng cho các đền đài và những công trình quan trọng khác. Dưới thời nhà Triều Tiên, nền kiến trúc Triều Tiên đã phát triển xa hơn với một ý chí vô song nhằm thể hiện biểu cảm về những quan niệm và giá trị của thời đại.

Cung Đức Thọ, Seoul, Hàn Quốc, nơi từng được sử dụng làm nơi ở của vương thất Triều Tiên đến cuối thế kỉ 19.

Hệ thống cụm dầm chia, kết cấu quan trọng của các tòa nhà về cấu trúc và mỹ quan, được phát triển tuân theo chức năng về kết cấu, đồng thời biểu thị vẻ đẹp trang trọng và độc đáo của nghệ thuật kiến trúc Triều Tiên. Các đồ trang trí trong kiến trúc và ý nghĩa tượng trưng của nó đã đa dạng và phong phú hơn. Các kiến trúc sư ở thời kỳ này có ý định biểu lộ một ý chí mạnh mẽ để hình thành nên một phong cách bản địa trong kiến trúc và cố gắng dùng mọi kiểu vật dụng trang trí. Điều này đã đạt được một âm sắc giao hưởng với những phương pháp tổ hợp kiến trúc có độ tương phản cao giữa sáng và tối, giữa sự đơn giản và phức tạp và cuối cùng đã đạt đến đỉnh điểm của sự tinh tế trong kiến trúc. Khuynh hướng biểu cảm kiến trúc của thời hậu kỳ nhà Triều Tiên gợi nhớ lối biểu cảm tương tự của phong cách BaroqueRococo ở phương tây.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nhà_Triều_Tiên http://www.bennettsfineart.com/lee%20dynasty.htm http://english.chosun.com/w21data/html/news/200501... http://english.chosun.com/w21data/html/news/200601... http://www.donga.com/docs/magazine/shin/2004/11/09... http://books.google.com/books?id=lCd4reJRaG8C&pg=P... http://books.google.com/books?id=vj8ShHzUxrYC&pg=P... http://web.me.com/sungjin/introduction.html http://100.nate.com/dicsearch/pentry.html?s=B&i=11... http://100.nate.com/dicsearch/pentry.html?s=K&i=23... http://newslibrary.naver.com/viewer/index.nhn?arti...